Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Không chủ quan với các bệnh lý ở vòi trứng

Ứ nước vòi trứng

Ứ nước vòi trứng là do biến chứng của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa lâu ngày không được điều trị như: Viêm âm đạo, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu do nhiễm Chlamydia, lậu cầu hay viêm dính vòi trứng; hoặc do nhiễm trùng tại ống dẫn trứng do những phẫu thuật trước đó như phẫu thuật thông ống dẫn trứng.

Biểu hiện của bệnh thường là đau bụng dưới hoặc đau khắp cả bụng. Càng gần đến chu kỳ càng đau dữ dội, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục… Khi thấy có các triệu chứng này, cần đi khám để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh để lâu bệnh gây nên những biến chứng nguy hiểm, gây tắc hoàn toàn vòi trứng, thậm chí phải cắt bỏ vòi trứng vì viêm nhiễm quá nặng.

Điều trị ứ nước vòi trứng cần căn cứ vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương của vòi trứng, ứ nước vòi trứng một bên hay cả hai bên… Do đó bác sĩ cần phải khám kỹ lưỡng kết hợp với biện pháp cận lâm sàng rồi mới có chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Có thể bệnh nhân sẽ được bơm thông vòi trứng hoặc mổ nội soi hút dịch nhằm thông tắc vòi trứng. Ngoài ra, cần phải điều trị khỏi các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.

Ứ nước vòi trứng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả nặng nề như gây tắc nghẽn vòi trứng hoàn toàn và có thể gây vô sinh hiếm muộn ở chị em phụ nữ. Nếu được phát hiện kịp thời sẽ giảm bớt thời gian cũng như chi phí cho việc chữa trị bệnh. Ứ nước vòi trứng dễ tái phát, nên cần chú ý đề phòng bằng cách có thói quen sinh hoạt lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần. Tái khám theo đúng lịch hẹn.

Không chủ quan với các bệnh lý ở vòi trứngTắc vòi trứng là nguyên nhân khiến tinh trùng khó kết hợp với trứng.

Để phòng bệnh, phụ nữ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ tình dục, không thụt rửa âm đạo, không lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Bổ sung các loại chất dinh dưỡng cho sự phát triển cơ thể, ăn thức ăn chứa nhiều vitamin B, ăn nhiều trái cây và rau củ tươi để cung cấp đủ vitamin A, C, canxi… mà cơ thể cần hàng ngày.

Viêm tắc vòi trứng

Vòi trứng còn được gọi là ống dẫn trứng, có vai trò là cầu nối giữa tinh trùng và trứng, đồng thời vận chuyển trứng đã được thụ tinh đến tử cung để làm tổ. Nếu vòi trứng bị viêm, tắc nghẽn và chít hẹp sẽ là nguyên nhân chính khiến tinh trùng khó kết hợp được với trứng và trứng không thể di chuyển về tử cung làm tổ, từ đó dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh. Dấu hiệu của viêm tắc vòi trứng thường là đau vùng bụng dưới, kinh nguyệt bị rối loạn...

Nguyên nhân gây viêm tắc vòi trứng có thể do viêm nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt là với phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn, mầm bệnh có thể theo tinh trùng qua cổ tử cung di chuyển vào tử cung, lây lan lên hai vòi trứng gây viêm nhiễm và tắc nghẽn. Các bệnh lây qua đường tình dục này thường do Chlamydia hoặc các loại vi khuẩn lậu. Các viêm nhiễm khác có thể do vệ sinh kém, nhất là vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm âm đạo hay cổ tử cung, nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng.

Ngoài ra, việc nạo phá thai không an toàn, nạo phá thai nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tắc vòi trứng. Ở nguyên nhân này, thông thường cổ tử cung đóng vai trò ngăn cản vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, khi phụ nữ bị sẩy thai, sinh đẻ hoặc nạo phá thai nhiều lần sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng từ âm đạo, lan qua cổ tử cung lên tử cung và hai vòi trứng, gây viêm tắc vòi trứng.

Không chủ quan với các bệnh lý ở vòi trứngỨ nước vòi trứng có thể dễ gây tắc nghẽn hoàn toàn gây vô sinh.

Việc nắm bắt và xác định được nguyên nhân tắc vòi trứng có vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm tắc vòi trứng. Điều trị đúng nguyên nhân sẽ nhanh chóng và hiệu quả cao.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa tắc vòi trứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và mức độ mong muốn mang thai sau này mà chị em được áp dụng phương pháp khác nhau.

Khi bệnh ở vòi trứng nặng, buộc phải cắt bỏ cả hai vòi trứng, nếu phụ nữ muốn có con, thì chỉ còn biện pháp thụ tinh ống nghiệm.

Nếu vòi trứng tắc ở mức độ nhẹ và vòi dính ít còn di động thì bác sĩ sẽ kiểm tra và thông tắc vòi trứng. Thông vòi trứng bằng bơm hơi áp dụng đối với bệnh nhân chỉ bị hẹp một đoạn ngắn. Hiệu quả phụ thuộc vào tình trạng tắc vòi trứng nhiều hay ít, nguyên nhân gây tắc vòi trứng, thời gian bị tắc vòi trứng lâu chưa…

Biện pháp thứ hai là tiểu phẫu nội soi ống dẫn trứng, được áp dụng đối với bệnh nhân bị tắc ống dẫn trứng đoạn gần thành tử cung. Bác sĩ sẽ đặt bộ tiểu phẫu nội soi vào trong buồng tử cung, dùng một dụng cụ y tế đưa vào lỗ ống dẫn trứng để loại bỏ những mẩu mô vụn và tách các chỗ dính trong lòng ống dẫn trứng. Thông tắc vòi trứng bằng nội soi ống dẫn trứng đạt hiệu quả cao lên tới 85%.

Khi vòi trứng bị tắc hoàn toàn, bác sĩ sẽ đưa ra yêu cầu kẹp đốt hoặc cắt vòi trứng để giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Trong trường hợp phải cắt cả hai vòi trứng, chị em có thể suy nghĩ đến việc mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

ThS. Nguyễn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phương pháp triệt sản nam và triệt sản nữ

Chọn một phương pháp ngừa thai, chúng ta phải quyết định phương pháp nào là tốt nhất. Với mỗi phương pháp, chúng ta cần phải hiểu, tính hiệu...